Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Quảng Đông và Quảng Tây có từng thuộc Việt Nam ?

Nhiều học giả và nhiều người thường tranh cãi và thường nhầm rằng Quảng Đông và Quảng Tây từng thuộc về Việt Nam, nhưng không phải vậy.

Trước khi thành lập nước Nam Việt (sau đó nước Nam Việt thôn tính Âu Lạc của An Dương Vương) thì Triệu Đà là quan chức phụ trách 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây ( Lưỡng Quảng). Sau đó lợi dụng triều đình Trung ương suy yếu , ông ta thành lập nước riêng là nước Nam Việt. Và nước đó đã thôn tính Âu Lạc. Sau đó cả lãnh thổ Nam Việt (bao gồm Âu Lạc) bị nhà Hán thôn tính. Nhiều người tính bắt đầu thời kỳ Triệu Đà thôn tính Âu Lạc là thời kỳ Bắc thuộc. Nhưng nhiều người nói thời kỳ nhà Hán thôn tính Nam Việt là bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc.

Cụ thể: Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Triệu Đà là "người huyện Chân Định nước Hán". Nay là huyện Chinh Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Xét về mặt địa lý thì tỉnh Hà Bắc nằm gần Bắc Kinh, ở phía bắc sông Hoàng Hà. Mặc dầu các sách sử nói ông là người Hán, đó là do quan điểm sau này khi nhà Hán thống nhất đất nước, chứ trước khi nhà Tần thống nhất đất nước, lúc Triệu Đà ra đời vào thời Chiến Quốc, thì vùng đất Chân Định thuộc về nước Triệu, gọi Triệu Đà là người nước Triệu thì đúng hơn. Vì khoảng cách địa lý quá xa cho nên về mặt huyết thống, Triệu Đà khó có thể có liên hệ với sắc tộc Yue (Việt) vốn cư ngụ lâu đời ở phía nam sông Dương Tử. 

Là tướng nhà Tần, Nhâm Ngao và Triệu Đà được sai xuống cai quản quận Nam Hải (nay là tỉnh Quảng Đông). Sau khi Tần Thủy Hoàng mất, Triệu Đà đánh chiếm luôn quận Quế Lâm (nay là tỉnh Quảng Tây) và Tượng Quận (nay là miền bắc Việt Nam), lập ra nước Nam Việt. 

Vậy miền bắc Việt Nam hiện nay có lẽ chiếm 1/3 lãnh thổ của nước Nam Việt thời Triệu Đà. Sau này thời Quang Trung có sai sứ sang đòi lại Lưỡng Quảng. 

Điều này giống như là khi xưa một mảnh đất có 3 căn nhà, quân giặc vô chiếm hết, soạn lại giấy tờ thành một nhà với chung một số nhà. Sau này giặc yếu, ta lấy lại được nhà ta, ta có nên đòi thêm 2 căn kia không với lý do là tại khi xưa tất cả đều chung 1 số nhà?? 

Ngoài chuyện đó, sau này cũng có quan niệm cho rằng nên coi Triệu Đà là người Việt, là một triều đại chính thống trong lịch sử Việt vì có công chống cự giặc Hán, và cũng góp phần vào việc xây dựng xã hội Việt Nam thuở xưa . 

Những công lao này đúng, nhưng việc coi Triệu Đà là người Việt vì những công lao của ông ta thì cần phải xem lại.




* Thời vua Quang Trung:

Chiến thắng mồng 5 tết Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân Thanh, tổng đốc Lưỡng Quảng nhà Thanh - Tôn Sĩ Nghị thua chạy tan tác không còn manh giáp, thoát sang bên kia biên giới. Quân Tây Sơn đuổi theo và rao lên rằng sẽ đuổi qua biên giới đánh đến kinh thành nhà Thanh đến khi bắt được Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống mới thôi. Bởi thế dân Trung Quốc ở biên giới dắt nhau chạy làm cho suốt vài chục dặm không có người. 
Vào thời điểm đó, Tôn Sĩ Nghị dẫn theo vài ba chục tàn quân và dân chúng chạy một mạch không dám ngoáy đầu suốt 15 ngày đêm ròng rã về tới kinh thành Bắc Kinh bẩm tấu tin đại bại. Vua Càn Long nhà Thanh lúc ấy nghe tin mặt cắt không còn chút máu, tỏ vẻ vô cùng lo lắng, sợ quân Tây Sơn trong một ngày không xa sẽ kéo quân sang báo thù, uy hiếp kinh thành thì coi như nhà Thanh tới hồi bế mạc. Vì vậy, liền thượng triều khẩn cấp hội ý quần thần. Vua tôi nhà Thanh sau gần 2 năm liên tục trằn trọc ăn không ngon, ngủ không yên, cuối cùng đã đồng ý với chính sách là cắt nhượng vùng Lưỡng Quảng (tức Quảng Tây & Quảng Đông ngày nay) cho nhà Tây Sơn, coi như là để bồi thường chiến tranh, đồng thời cho soạn sẵn một chiếu thư gọi là "Đạo Khiêm thư - 道歉書 (tức Thư Xin Lỗi)" thủ sẵn chờ dịp cử sứ thần sang nhà Tây Sơn dâng sớ tạ lỗi, cầu hòa - cầu thân & cầu tình thân hữu vĩnh viễn. 

Ngẫu nhiên cũng cùng thời điểm đó, sau khi vua Quang Trung dẹp loạn giặc phương Bắc, có sai sứ là Vũ Văn Dũng đại diện sang cầu hôn con gái vua Càn Long và gợi ý nên có vùng Lưỡng Quảng làm của hồi môn cho công chúa, như thế mới là tượng trưng cho nền hòa bình & tình thân hữu dài lâu. Vua Càn Long lúc ấy nghe thấy thế mừng rỡ ra mặt, lộ vẻ rất tâm đắc, thầm nghĩ trong lòng sắp kén được chàng rể quý tài ba xuất chúng, liền ra lệnh thết đãi sứ thần Tây Sơn ba ngày tiệc lớn bốn ngày tiệc nhỏ suốt một tháng trời. 

Sự việc đã sắp xếp an bài đâu vào đó, hai bên cũng đã đồng ý ấn định vào mùa Xuân năm Quý Sửu 1793 sẽ chính thức cử hành đại lễ tiễn công chúa nhà Thanh sang làm quý phi nhà Tây Sơn để cầu thân - cầu hòa, đồng thời cắt nhượng vĩnh viễn vùng Lưỡng Quảng cho công chúa làm của hồi môn theo chồng. 
Tiếc là vào một buổi chiều đầu thu năm 1792, vua Quang Trung đang ngồi làm việc, bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh. Người xưa gọi là chứng "huyễn vận", còn ngày nay y học gọi là tai biến mạch máu não. Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792), vào khoảng 11 giờ đêm, vua Quang Trung Nguyễn Huệ băng hà, thọ 40 tuổi. Ông đột ngột ra đi khi đại nghiệp sắp thành, để lại biết bao nuối tiếc cho dân chúng khi đó; nhà Thanh nghe tin vua Quang Trung băng hà, đã tuyên bố hôn ước mặc nhiên bị hủy bỏ & đồng thời hủy bỏ luôn chiếu thư xin lỗi-cầu hòa-cầu thân và của hồi môn kia. 

Tuy nhiên việc nhà Thanh hứa như vậy nhưng thực tế thì rất khó xảy ra, có thể chỉ là kế hoản binh. Và việc vua Quang Trung vì sao mà chết vẫn còn là một bí ẩn, có thể là bị đầu độc cũng không biết chừng.




Tóm tắt lịch sử Việt Nam:

Nhà Hán đổ, cục diện Tam quốc chiến tranh loạn lạc dẫn đến Âu Lạc bị nhà Ngô đô hộ. Năm 226, nhà Ngô tách các quận Hợp Phố (thuộc Quảng Châu, Trung Quốc), Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thành lập Giao Châu.


Năm 263, Lã Hưng, một tướng của Đông Ngô nổi dậy diệt Thái thú Giao Châu, lấy đất Giao Châu sáp nhập vào Tây Tấn. Năm 264, Ngô Vương Tôn chia Giao Châu (gồm đất Âu Lạc cũ và một phần đất Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc) thành Quảng Châu (đất Lưỡng Quảng) và Giao Châu. Giao Châu từ đó thu hẹp trong phạm vi lãnh thổ nước Âu Lạc cũ, thành Long Biên (Từ Sơn, Bắc Ninh) là châu lị. Năm 271, sau khi diệt Lã Hưng, nhà Ngô đặt thêm quận Cửu Đức (được tách từ một bộ phận ở phía Nam quận Cửu Châu tương ứng với huyện Hàm Hoan cũ). Quận Cửu Đức gồm sáu huyện thuộc hầu hết đất đai hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay(1) (Trương Hữu Quýnh, Sách đã dẫn, tr.66).


Từ năm 280, Tây Tấn diệt hẳn Đông Ngô, đất Giao Châu lại thuộc về Tây Tấn(2) (Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức (2000), Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, Nxb VHTT, Hà Nội, tr.26). Nhà Tây Tấn đặt quan Thứ sử cai trị Giao Châu và quan Thái thú ở bảy quận của Giao Châu là: Hợp Phố, Vũ Bình, Tân Xương, Giao Châu, Cửu Đức, Nhật Nam (lúc này Nhật Nam chỉ còn đất từ Quảng Bình đến Quảng Trị). Nhà Tấn mở rộng thêm địa giới quận Cửu Đức đến Hoành Sơn, đặt thêm huyện Nam Lăng và huyện Đô Giao tương ứng với các huyện Nghi Xuân, Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà thuộc tỉnh Hà Tĩnh ngày nay.


Do các thân vương nội triều Tấn đánh giết lẫn nhau làm cho nhà Tấn suy sụp. Nhân cơ hội đó, các nước Triệu, Tần, Yên, Lương, Hạ, Hán nổi dậy chiếm cả vùng đất phía Bắc sông Trường Giang. Nhà Tấn chỉ còn lại vùng đất ở Đông Nam, phải rời về Nam Kinh, từ đó gọi là Đông Tấn. Năm 420, Lưu Du cướp ngôi nhà Đông Tấn, lập ra nhà Tấn ở phía Nam. Trung Quốc lúc đó phân chia ra thành Nam - Bắc triều: Nam triều gồm Tống, Tề, Lương, Trần kế nhau cai trị; Bắc triều gồm Nguỵ, Tề, Chu nối nhau cai trị(1) (Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, Sách đã dẫn, tr. 27).


Sau khi nhà Tấn suy sụp, ở Trung Quốc diễn ra cục diện Nam - Bắc triều. Nước Âu Lạc bị đặt dưới ách đô hộ của Nam triều gồm các triều Tống, Tề, Lương, Trần: Khoảng đầu thế kỷ V, Giao Châu bị nhà Tống thống trị, năm 470 nhà Tống tách Hợp Phố sáp nhập vào nội địa Trung Quốc, bản đồ Giao Châu còn lại trong phạm vi vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay, vùng Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn gọi là Cửu Đức; năm 479, nhà Tề thay thế nhà Tống; năm 505, Giao Châu thuộc nhà tưởng, năm 523 nhà Lương đặt Ái Châu ở Thanh Hoá, đổi quận Cửu Đức thành Đức Châu, đặt thêm hai huyện mới là Lợi Châu và Minh Châu, năm 535 đặt thêm một châu mới là Hoàng Châu (Quảng Ninh).


Năm 542, Lý Bí lãnh đạo nhân dân Giao Châu tấn công quân Lương, chiếm được hầu hết các quận, huyện và thành Long Biên. Năm 543, Lý Bí đánh tan quân Lương ở Hợp Phố. Cũng năm 543, quân Lâm ập kéo sang cướp phá quận Nhật Nam, Lý Bí sai lão tướng Phạm Tu đưa quân tiến đánh vào Cửu Đức, quân Lâm Ấp bỏ chạy. Với hai thắng lợi này, cương vực lãnh thổ nước ta bấy giờ được bảo vệ suốt từ Hoành Sơn đến Hợp Phố. Năm 544, Lý Bí xưng Nam Việt Đế (Lý Nam Đê), đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay)(2) (Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, Sách đã dẫn, tr. 28, 29).


Năm 545, nhà Lương đem quân đánh Vạn Xuân. Năm 548, trước khi mất ở động Khuất Lão (vùng Tây Vĩnh Phú), Lý Nam Đế trao quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục kháng chiến chống quân Lương, Triệu Quang Phục lên ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương. Năm 550, Triệu Quang Phục khôi phục lại được nền độc lập, nhưng từ đó nội bộ Vạn Xuân bị chia rẽ. Lý Thiên Bảo (anh họ của Lý Bí) và Lý Phật Tử (người cùng họ) không quy phục Triệu Việt Vương. Năm 549, Lý Thiên Bảo xưng là Đào Lang Vương. Năm 555, Đào Lang Vương chết, toàn bộ binh quyền được trao cho Lý Phật Tử. Năm 571, Lý Phật Tử bất ngờ diệt Triệu Việt Vương để giành ngôi vua, tự xưng là Hậu Lý Nam Đế, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phú)(1) (Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, Sách đã dẫn, tr. 32).


Năm 589 nhà Trần ở Trung Quốc bị tiêu diệt, nhà Tuỳ lên thay thế, dẹp yên Nam - Bắc triều. Lúc này, mặc dù chưa xâm lược được Vạn Xuân nhưng nhà Tuỳ đã tìm mọi cách để khẳng định quyền đô hộ đối với Vạn Xuân. Năm 598, nhà Tuỳ đổi Hưng Châu làm Phong Châu, đổi Hoàng Châu làm Ngọc Châu, Đức Châu làm Hoan Châu, Lợi Châu làm Trí Châu. Năm 602, nhà Tuỳ sai mười vạn quân xâm lược Vạn Xuân, Lý Phật Tử đầu hàng, từ đó Vạn Xuân lại bị nhà Tuỳ đô hộ. Khoảng từ năm 603 - 607, sau khi đánh bại nhà nước Vạn Xuân, ổn định được nền đô hộ, nhà Tuỳ bỏ các tên châu, gọi là quận như thuở trước. Giao châu được chia là bảy quận: Giao Chỉ (các tỉnh Bắc Bộ); Cửu Chân (Thanh Hoá); Nhật Nam (Nghệ An); ba quận Tỵ Ảnh, Hải Âm và Lâm Ấp tương đương Bình - Trị Thiên ngày nay; Ninh Việt gồm Ngọc châu và Khâm châu. Nhà Tuỳ chuyển trị sở châu từ Long Biên về Tống Bình Hà Nội)(2) (Trương Hữu Quýnh, Sách đã dẫn, tr. 67-68).


Năm 618, nhà Tuỳ đổ, nhà Đường thay nhà Tuỳ trị vì Trung Hoa. Thái thú Giao Châu của nhà Tuỳ thần phục nhà Đường, từ đó đến năm 904, Giao Châu bị nhà Đường đô hộ. Nhà Đường đổi các quận thành châu như cũ. Năm 622, đổi Giao Châu thành An Nam Tổng Quản Phủ. Năm 679 lại đổi thành An Nam Đô Hộ Phủ, chia thành 12 châu:

- Có 3 châu là Giao Châu, Phong Châu, Trường Châu bắc Bộ ngày nay);

- Có 4 châu là Thang Châu, Chi Châu, Vũ Nga Châu, Vũ An Châu (Quảng Đông, Quảng Tây);

- Có 4 châu là Ái Châu, Phúc Lộc Châu, Diễn Châu, Hoan Châu bắc Trung Bộ);

- Lục Châu (thuộc đất Trung Quốc và vùng Quảng Ninh).


Năm 757, do tình hình rối loạn ở Trung Quốc, nhiều cuộn nổi dậy của nhân dân đánh phá các châu huyện, nhà Đường đã đổi An Nam Đô Hộ Phủ thành Trấn Nam Đô Hộ Phủ, đến năm 768 lại đổi thành An Nam Đô Hộ Phủ như cũ. Năm 863, nhà Đường bãi bỏ phủ đô hộ. Đến năm 866, sau khi đánh bại được quân Nam Chiếu, chiếm lại thành Tống Bình, phủ đô hộ mới được đặt lại ở đây(1) (Trương Hữu Quýnh, Sách đã dẫn, tr.68).
dungnuocgiunuoc:
III. CƯƠNG GIỚI LÃNH THỔ ĐẠI VIỆT TRONG KỶ NGUYÊN ĐỘC LẬP
Năm 938, Ngô Quyền lãnh đạo nhân dân Văn Lang - Âu Lạc đánh bại quân Nam Hán xâm lược, chấm dứt hơn 1000 năm đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập tự chủ, cương vực lãnh thổ nước Văn Lang - Âu Lạc về cơ bản được khôi phục. Các triều đại phong kiến Việt Nam kế tiếp nhau về sau từ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Trịnh - Nguyễn đã không ngừng bảo vệ cương giới và phát triển mở rộng lãnh thổ của đất nước.

1. Thời kỳ tự chủ Khúc - Ngô - Đinh - Tiền Lê
Năm 905, nhân lúc nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ khởi binh đánh chiếm thành Tống Bình, quan quân đô hộ nhà Đường rút chạy về nước. Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết Độ sứ. Nhà Đường buộc phải công nhận Khúc Thừa Dụ là người đứng đầu nước Việt(2) (Hà văn Thư, Trần Hồng Đức, Sách đã dẫn, tr.36). Họ Khúc cai quản đất nước tự chủ từ năm 905 đến năm 938, "đóng đô" ở Đại La (Tống Bình đổi thành), lãnh thổ thuộc quyền cai quản của chính quyền mới được mở rộng hơn trước, được chia thành năm cấp hành chính là lộ, phủ, châu, giáp và xã. Năm 907, Khúc Thừa Dụ chết, Khúc Hao lên thay. Năm 917, Khúc Hao chết, Khúc Thừa Mỹ lên thay.


Cũng trong năm 905, nhà Đường đổ, nhà Hậu Lương thành lập ở Trung Quốc. Năm 917, Lưu Nham không quy phục nhà Hậu Lương, thành lập tiểu quốc Nam Hán trên vùng đất Quảng Châu.

Năm 923, quân Nam Hán đánh chiếm thành Đại La, bắt được Khúc Thừa Mỹ, rồi tiến quân xuống phía nam cướp phá.

Năm 931, Dương Đình Nghệ kéo quân từ Thanh Hoá ra bao vây công phá, chiếm lại được thành Đại La, quân Nam Hán thua phải rút chạy về nước. Dương Đình Nghệ được suy tôn làm Tiết Độ Sứ, tiếp tục sự nghiệp của họ Khúc.


Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ, giành quyền Tiết độ sứ. Ngô Quyền là con rể của Dương Đình Nghệ (được cha giao cai quản Ái châu) đã tập hợp lực lượng, tiến quân ra Giao Châu trừng trị Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn bị giết, nhưng trước đó vì quá khiếp sợ đã sai người sang Nam Hán cầu cứu. Nhân cơ hội này, vua Nam Hán đã sai quân xâm lược nước Việt. Mùa đông năm 938, đại binh Nam Hán tiến vào sông Bạch Đằng, bị Ngô Quyền đánh tan.


Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ngô Quyền làm vua được 5 năm thì mất (939 - 944), truyền ngôi vua cho con trưởng là Ngô Xương Ngập. Người em vợ Ngô Quyền là Dương Tam Kha cướp ngôi và tự xưng là Dương Bình Vương. Từ đó diễn ra cuộc tranh chấp giữa các con của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn với Dương Tam Kha. Năm 950, Ngô Xương Văn (em Ngô Xương Ngập) lật đổ Dương Tam Kha, giành lại ngôi vua, xưng là Nam Tấn Vương, Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách Vương (lúc này nước ta có hai vua), đóng đô ở Cổ Loa.


Năm 954, Ngô Xương Ngập chết. Năm 965, Ngô Xương Văn chết. Đất nước rơi vào tình trạng chia cắt, hỗn loạn. Nổi lên mười hai vùng đất biệt lập do mười hai thủ lĩnh đứng đầu, đem quân đánh chiếm lẫn nhau, sử cũ gọi là "loạn mười hai sứ quân":

- Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều (Nông Cống, Thanh Hoá);

- Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang (Thanh Oai, Hà Tây);

- Trần Lãm giữ Bố Hải Khẩu (thị xã Thái Bình);

- Kiều Công Hãn giữ Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phú);

- Nguyễn Khoan giữ Tam Đái (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc);

- Ngô Nhật Khánh giữ Đường Lâm (Phúc Thọ, Hà Tây);

- Lý Khuê giữ Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh);

- Nguyễn Thủ Tiệp giữ Tiên Sơn (Bắc Ninh);

- Lữ Đường giữ Tế Giang (Văn Giang, Hưng Yên);

- Nguyễn Siêu giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội);

- Kiều Thuận giữ Hởi Hồ (Cẩm Khê, Phú Thọ);

- Phạm Bạch Hổ giữ Đằng Châu (Hưng Yên).


Loạn mười hai sứ quân không chỉ dẫn đến đất nước bị chia cắt mà còn gây ra rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của nhân dân. Vì vậy, cuộc đấu tranh để thống nhất đất nước lại trở thành một nhu cầu sống còn của dân tộc. Sứ mệnh lịch sử đó được trao cho Đinh Bộ Lĩnh.


Nổi lên ở đất Hoa Lư từ đầu những năm 50 của thế kỷ X, lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh nhanh chóng mạnh lên nhờ sự hưởng ứng của nhân dân. Đến cuối năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn mười hai sứ quân. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua, hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đổi tên nước thành Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), chia nước thành mười "Đạo". Đất đai lãnh thổ không có gì thay đổi lớn so với thời Ngô Vương. Từ năm 970, vua Đinh đã cử sứ thần sang giao hảo với nhà Tống. Năm 973, vua Tống phong Đinh Bộ Lĩnh là Giao Chỉ Quận Vương. Trong nhiều năm, quan hệ giữa Đại Cồ Việt và nhà Tống hoà hiếu tốt đẹp.
dungnuocgiunuoc:
Cuối năm 979, Đĩnh Bộ Lĩnh và con trai là Đinh Liễn bị ám hại. Đinh Toàn mới sáu tuổi lên ngôi vua. Nhân cơ hội này, nhà Tống đã sai Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng đem hơn ba vạn quân thuỷ, bộ sang đánh Đại Cồ Việt. Để tổ chức cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, triều đình nhà Đinh quyết định đưa Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua thay Đinh Toàn. Lê Hoàn đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi, tiếp tục củng cố nền độc lập của đất nước.


Từ những năm 70, nước Chăm Pa ở phía Nam nước Đại Cồ Việt đã cố ý lấn chiếm. Năm 980, sau khi lên ngôi vua, Lê Hoàn sai sứ sang giao hảo với Chăm Pa để vỗ yên cương vực phía Nam, tập trung lực lượng chống giặc ngoại xâm ở cương vực phía Bắc. Vua Chăm Pa đã bắt giữ các sứ thần của Đại Cồ Việt. Năm 982, sau khi đánh tan quân xâm lược nhà Tống, Lê Hoàn quyết định cầm quân đi đánh Chăm Pa. Quân Chăm Pa thua to. Vua Chăm Pa bị tử trận. Lê Hoàn sai quân phá hết thành trì của Chăm Pa rồi rút quân về nước. Quan hệ Đại Cồ Việt - Chăm Pa tạm hoà hoãn trong một thời gian.


Lên ngôi vua, Lê Hoàn xưng là Lê Đại Hành (sử gọi là nhà Tiền Lê), vẫn giữ tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, đổi mười "Đạo" thời Đinh thành mười “Lộ", phủ, châu (tương đương đơn vị hành chính cấp tỉnh ngày nay). Căn cứ vào địa danh chép trong hai đời nhà Đinh và nhà Tiền Lê và theo chú thích của Viện Sử học khi xuất bản bản dịch Đại Việt Sử Ký Toàn Thư năm 1972, người ta tìm được các địa danh thời Tiền Lê ngày nay là:

- Thuộc Ninh Bình (Hoa lư, Cổ Lãm, Đàm Gia Loan);

- Thuộc Thanh Hoá (Vũ Lũng, Hà Đông, Cử long, Châu Ái, Chi Long, Đinh Sơn);

- Thuộc Nghệ An (kênh Đa Cái);

- Thuộc Hà Tĩnh thạch Hà, Hoàn Đường, Kỳ La, cửa biển Nam Giới) 

- Thuộc Quảng Bình (Đại Lý);

- Thuộc Nam Định (cửa Đại Ác, sông Đại Hoàng);

- Thuộc Thái Bình (Bố Hải Khẩu);

- Thuộc Hưng Yên (Châu Đằng, trại Phù Lan, Mại Liên);

- Thuộc Hải Dương (Nam Sách Giang, phủ Đái);

- Thuộc Quảng Ninh (Trấn Triều Dương, châu Tô Mậu, Bạch Đằng);

- Thuộc Bắc Ninh (Tiên Du, Siêu Loại);

- Thuộc Bắc Giang (Bắc Giang, An Châu);

- Thuộc Lạng Sơn (Lạng Châu, Chi Lăng);

- Thuộc Hà Nội (Tây Phù Liệt);

- Thuộc Hà Tây (Đường Lâm, Đỗ Động Giang);

- Thuộc Phú Thọ (Châu Phong, Tam Đái);

- Thuộc Tuyên Quang (Vị Long, Đô Lương);

- Thuộc Hà Giang (Vị Long)(1) (Ban Biên giới của Chính phủ, Tập san Biên giới và Lãnh thổ (Số 5 tháng 4-1999), tr. 31-32).


Như vậy, cương vực lãnh thổ nước Đại Cồ Việt thời kỳ nhà Đinh - Tiền Lê đã bao trùm lên hầu hết các tỉnh miền Bắc Việt Nam ngày nay từ Quảng Bình trở ra cho đến Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang. Tuy nhiên, ở thời Tiền Lê, biên giới phía Tây vẫn chưa được định hình. Cương vực phía Nam giáp Chăm Pa ở khu vực đèo Ngang. Phía Bắc và Đông Bắc giáp đất Tống, phía Tây Bắc gần với Đại Lý (tức Nam Chiếu ở vùng Vân Nam) đều chưa ổn định. Đất đai lãnh thổ không có thay đổi gì so với thời Đinh.


Năm 1005, Lê Đại Hành chết, con là Long Việt nối ngôi cha, xưng là Lê Trung Tông, nhưng chỉ được ba ngày thì bị em là Long Đĩnh giết, cướp ngôi vua. Long Đĩnh bị bệnh trĩ, không ngồi được, phải nằm để hội thầu nên sử gọi là vua "Ngoạ triều”. Năm 1009, Lê Long Đĩnh chết, triều đình suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Triều đại nhà Tiền Lê chấm dứt, mở ra một triều đại mới - triều đại nhà Lý.
dungnuocgiunuoc:
2. Nước Đại Việt thời Lý (1010 - 1 225)
Lý Công Uẩn lên ngôi vua, xưng là Lý Thái Tổ, vẫn lấy tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, chia đặt mười "Lộ", phủ, châu thời Tiền Lê thành hai mươi bốn "Lộ". Năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La, đặt tên kinh đô là Thăng Long. Năm 1054, đặt quốc hiệu mới là Đại Việt. Căn cứ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, người ta biết được một số địa danh thời Lý ngày nay như sau:

- Thuộc Nam Định (lộ Thiên Trường, lộ Hoàng Giang);

- Thuộc Hà Tây (lộ Quốc Oai, châu Cổ Lãm, châu Thượng Oai);

- Thuộc Quảng Ninh (lộ Hải Đông);

- Thuộc Thái Bình (lộ Kiến Xương, lộ Long Hưng);

- Thuộc Hải Dương (lộ Hồng);

- Thuộc Bắc Ninh (lộ Bắc Giang, phủ Thiên Đức);

- Thuộc Ninh Bình (lộ Trường Yên, phủ Thiên Trường);

- Thuộc Thanh Hoá (lộ Thanh Hoá);

- Thuộc Nghệ An (lộ Diễn Châu, phủ Nghệ An);

- Thuộc Hà Tỉnh (châu Hoàn Đường);

- Thuộc Quảng Bình (châu Bố Chính, Địa Lý);

- Thuộc Quảng Trị (châu Ma Linh);

- Thuộc Hà Nội (phủ Ứng Thiên);

- Thuộc Thái Nguyên (phủ Phú Lương, châu Tư Nông, châu Tuyên Hoá);

- Thuộc Cao Bằng (châu Quảng Nguyên, Thông Nông, Tư Lang, Thảng Po, Định Biên);

- Thuộc Lạng Sơn (châu Lang, Vạn Nhai, Thất Nguyên);

- Thuộc Bắc Cạn (châu Tượng Nguyên, Hạ Nông, Cảm Hoá);

- Thuộc Yên Bái (châu Định Nguyên, Trệ Nguyên);

- Thuộc Phú Thọ (châu Chân Đăng);

- Thuộc các tỉnh Tây Bắc (trấn Đà Giang)(1) (Ban Biên giới của Chính phủ, Tập san Biên giới và lãnh thổ) (số 5 tháng 4-1999), tr. 32-34).


Nhà Lý đã có những cố gắng bước đầu để quản lý cương vực đất nước, nhưng biên giới Đại Việt bấy giờ vẫn chưa rõ ràng và ổn định. Đầu thời Lý, vùng biển tiếp giáp Chiêm Thành (Chăm Pa) được tổ chức thành trại Định Phiên; dọc sông Mê Công là vùng đất thuộc quốc của Chân Lạp, vùng rừng núi phía Đông sông Mê Công vẫn còn là lãnh địa tự do của nhiều bộ tộc ít người; ở phía Tây và Tây Bắc không xác định được ranh giới với Nam Chiếu. Phải đến cuối thời Lý, biên giới Đại Việt giáp đất Tống ở phía Bắc và Đông Bắc mới tương đối ổn định. Thêm vào đó, nhà Lý luôn phải tiến hành cuộc đấu tranh để chống lại các hành động xâm lấn, quấy rối của các láng giềng. Năm 1164, nhà Tống đã buộc phải thừa nhận Đại Việt là một quốc gia riêng và kể từ đây người Trung Quốc gọi nước ta là An Nam quốc.


Đầu thời Lý, có nước Nam Chiếu ở tiếp giáp đất Tây Bắc của Đại Việt. lợi dụng địa thế xa xôi hiểm trở, người Nam Chiếu kích động thủ lĩnh châu Vị Long là Hà Trắc Tuấn nổi loạn chống lại triều Lý. Nam Chiếu còn đem hai mươi vạn quân chiếm đất để tiếp ứng cho Hà Trắc Tuấn. Châu mục Quảng Nguyên là Hoàng An Vinh không chống nổi giặc, sai quân cấp báo triều đình. Năm 1014, Dực Thánh vương được lệnh đem quân lên biên giới, cùng thổ binh đánh tan quân Nam Chiếu, thu phục lại đất Ngũ Hoa. Năm 1015, quân triều đình dẹp được loạn, bắt Hà Trắc Tuấn đem về kinh chém đầu.


Tại cương giới giáp đất Tống, nhà Lý luôn phải đối phó với những âm mưu thủ đoạn xâm lấn của người Tống. Nhà Tống thường mua chuộc các thổ tù của Đại Việt để chiếm đất đai, xúi giục dân Tống ven biên tràn sang quấy phá Đại Việt: Năm 1022, quan nhà Tống ở biên hạt Khâm Châu (Quảng Đông) liên tục xúi giục dân tràn qua biên giới lấn đất và cướp bóc của dân Đại Việt, nhà Lý phải điều động một lực lượng lớn quân đội, cùng thổ binh ở biên giới truy đuổi người Tống tới tận Khâm Châu lỵ, tình hình mới yên; trên đoạn biên giới giữa Ung Châu của nhà Tống giáp đất Lạng Châu, Thái Nguyên, năm 1023, thủ lĩnh châu Thất Khê là Lý Tự bị nhà Tống mua chuộc định đem đất ấy sáp nhập vào đất Tống, phò mã Thân Thừa Quý đem quân biên hạt Lạng Châu tiến vào đất Tống bắt được Lý Tự mặc dù bọn quan lại Ung Châu cố tình che chở v.v...


Khi vương triều Lý bắt đầu thành lập, Chiêm Thành có sai sứ sang cống (năm 1011), nhưng đến năm 1020, Lý Thái Tổ đã sai con là Khai Thiên Vương và tướng Đào Thục Phụ vào đánh Bố Chánh. Năm 1044, Lý Thái Tông đem quân tiến vào kinh đô của Chiêm Thành là Chà Bàn (Bình Định ngày nay) giết vua Chiêm là Xạ Đẩu. Bị thất bại nặng nề, Chiêm Thành bề ngoài phải thần phục, cống nạp nhà Lý, nhưng bên trong luôn tìm cơ hội đánh lại nhà Lý để báo thù. Từ những năm 1050, vua Chiêm Thành là Chế Củ thường khiêu khích Đại Việt, ra sức chuẩn bị về quân sự để chờ thời cơ đánh Đại Việt. Từ năm 1065, được nhà Tống ủng hộ, Chế Củ cắt đứt hẳn quan hệ với Đại Việt. Năm 1068, Chiêm Thành đưa quân xâm lấn biên giới, vượt biển vào cướp phá Nghệ An. Để dẹp nguy phương nam, phòng hoạ phương bắc, vua Lý Thánh Tông quyết định đánh Chiêm Thành. Năm 1069, vua Thánh Tông hạ chiếu thân chinh cầm quân đánh Chiêm Thành, bắt sống vua Chế Củ. Chế Củ phải cắt cho nhà Lý ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh (Quảng Bình và bắc Quảng Trị) để được tha về(1) (Trương Hữu Quýnh, Sách đã dẫn , tr. 135-136).
dungnuocgiunuoc:
Đến cuối thế kỷ XII, đầu thế kỷ XIII, biên thuỳ và bờ biển của Đại Việt phía Nam giáp Chiêm Thành, phía Tây Nam (đoạn tây Nghệ An, Quảng Bình ngày nay) giáp Chân Lạp. Thời kỳ này, Chiêm Thành và Chân Lạp thường cấu kết với nhau liên tục xâm lấn và cướp phá vùng biên Đại Việt, nhất là trong các năm 1126, 1132, 1137, 1150, 1203, 1216. Có năm, quân Chiêm Thành và Chân Lạp tấn công Đại Việt tới hai, ba lần. Tất cả các cuộc xâm chiếm cướp phá của Chiêm Thành và Chân Lạp đều bị quân của triều đình, thổ biên và nhân dân địa phương vùng biên Đại Việt đẩy lùi. Song các cuộc chiến đó cũng gây không ít thiệt hại cho nhân dân Đại Việt. Điển hình là tháng 7-1203, một viên tướng Chiêm Thành là Bố Trì đem một số quân đến xin cư trú ở cửa biển Cơ La (cửa Nhượng, Hà Tĩnh) với lý do bị chủ đánh đuổi. Do cả tin, mất cảnh giác, tri châu Nghệ An là Đỗ Thanh và châu mục Phạm Diên đã bị Bố Trì đánh úp rồi giết chết, sau đó Bố Trì tàn phá, cướp bóc nhân dân ven biển và rút về Chiêm Thành an toàn.


Nhà Lý giữ đất không chỉ bằng sức mạnh quân sự, mà còn bằng chính sách ngoại giao. Nổi bật nhất trong lịch sử bang giao thời Lý là cuộc đấu tranh đòi vùng đất Quảng Nguyên (thuộc Cao Bằng ngày nay) ở ven biên giới bị nhà Tống bao chiếm từ sau khi Tống bị bại trận ở sông Như Nguyệt. Năm 1078, một năm sau khi đánh bại cuộc xâm lược của nhà Tống, nhà Lý đã cử một sứ bộ do Đào Nguyễn Tông dẫn đầu sang biếu vua Tống ba thớt voi với chủ trương đòi lại đất Quảng Nguyên, Bảo Lạc bị nhà Tống chiếm. Với chủ trương hoà hiếu và kiên trì, cuộc đàm phán đã đạt được thoả thuận: Nhà Lý trao trả tù binh cho Tống và Tống trả lại đất Quảng Nguyên cho Đại Việt vào năm 1079; năm 1084, Thị lang binh bộ Lê Văn Thịnh dẫn đầu một sứ bộ sang trại Vĩnh Bình (Ung Châu) để cùng nhà Tống tranh biện về vùng đất phía Tây Bắc Quảng Nguyên. Lê Văn Thịnh đã buộc nhà Tống trả lại cho Đại Việt vùng đất sáu huyện, ba động phía Tây Bắc Quảng Nguyên và định 8 cửa ải làm giới hạn phân chia lãnh thổ hai nước. Về các cuộc bang giao đòi đất giành được thắng lợi của Đại Việt, nhà sử học Phan Huy Chú bình luận: "Việc biên giới ở đời Lý được nhà Tông trả lại đất rất nhiều. Bởi vì trước có oai thắng trận, đủ làm cho nhà Tống phải phục. Sau khi sứ thần bàn bạc, lời lẽ thung dung càng thêm khéo léo, cho nên cần gì được nấy, làm cho lời tranh biện của người Trung Quốc phải khuất và thế lực của Nam giao được mạnh. Xem đó cũng có thể biệt qua thêm cường thịnh của thời bấy giờ”(1) (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương, Tập IV, tr. 196).


Qua các sử liệu trên đây cho thấy cương vực lãnh thổ Đại Việt thời Lý đã bao trùm lên toàn bộ miền Bắc Việt Nam ngày nay, từ các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra trên biển, tất cả các hải đảo ven bờ bao gồm hàng nghìn hòn đảo trên vịnh Hạ Long đã đặt dưới sự kiểm soát của vương triều nhà Lý. Năm 1172 vua Lý Anh Tông đã đi kinh lược, kiểm tra các hải đảo ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị ngày nay và cho vẽ bản đồ, ghi chép phong vật. Và như vậy, triều Lý đã giữ vững cương giới phía Bắc, mở rộng cương vực về phía Nam đến tỉnh Quảng Trị và kiểm soát toàn bộ hải đảo ngoài khơi vịnh Bắc Bộ ngày nay.


Năm 1028, Lý Thái Tổ mất, thái tử Lý Phật Mã lên ngôi vua, xưng là Lý Thái Tông. Năm 1054, Lý Thái Tông mất, Lý Nhật Tôn lên ngôi vua, xưng là Lý Thánh Tông, đổi tên nước là Đại Việt. Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, Lý Càn Đức lên ngôi vua, xưng là Lý Nhân Tông. Năm 1127, Lý Nhân Tông mất, Lý Dương Hoán lên ngôi vua, xưng là Lý Thần Tông. Năm 1138, Lý Thần Tông mất, Lý Thiên Tộ lên ngôi vua, xưng là Lý Anh Tông. Năm 1175, Lý Anh Tông mất, Lý Long Cán (tên khác là Lý Long Trát) lên ngôi vua, xưng là lý Cao Tông. Năm 1210, Lý Cao Tông mất, Lý Hạo Sảm lên ngôi vua, xưng là Lý Huệ Tông. Năm 1224, Lý Huệ Tông truyền ngôi vua cho công chúa Chiêu Thánh, hiệu là Lý Chiêu Hoàng, rồi đi tu. Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng trao ngôi vua cho chồng là Trần Cảnh. Vương triều Lý đến đây chấm dứt sau 216 năm cầm quyền, mở ra một trang lịch sử mới của dân tộc Việt Nam - triều đại nhà Trần.


Nguồn:
http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=20526.10;wap2

http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=20526.10;wap2

http://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BA%A1n_Xu%C3%A2n

http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/270-26-633349505895311829/Ban-do-Viet-Nam-qua-cac-thoi-ky/Nuoc-Van-Xuan.htm

http://diepdoan.violet.vn/entry/show/entry_id/1155642

1 nhận xét:

  1. Nói vậy sai nha. Triệu đà cũng là 1 hoàng đế nước việt. Lưỡng quảng từng thuộc việt nam. Hồ động đình núi thái sơn còn ở tận hồ nam sơn đông kia kìa

    Trả lờiXóa